C6 Online Support
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND.

4 posters

Go down

Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND. Empty Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND.

Bài gửi by h.phuc Sun Apr 19, 2009 5:07 pm

Cái topic này là gom lại từ 2 topic kia (cho nó trống bớt ấy mà Very Happy)

Phân tích tâm trạng Thúy Kiều quay đoạn trích "Trao duyên"



"Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại càng say lòng người"

(Tố Hữu)


Thật vậy, dù đi đâu dù guồng quay thời gian vẫn trôi thì “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du vẫn còn vang mãi một khúc nhạc ai oán, đau đớn cho số phận “bảy nổi ba chìm” của nàng Kiều. Xinh đẹp là thế, tài tình là thế nhưng cuộc đời nàng sao phải chịu nhiều phong ba bão táp. Vì chữ hiếu nàng phải bán mình chuộc cha, để lại mối tình đang còn dang dở cho em mình là Thuý Vân, dù đau đớn nhưng số phận không cho nàng một con đường khác.

Đoạn trích “Trao duyên” thể hiện bi kịch tình yêu của nhân vật Thuý Kiều – bi kịch có nguồn gốc từ bi kịch gia đình họ Vương và gắn với bi kịch số phận nhân vật Thuý Kiều.

Mở đầu đoạn trích là lời nói của Thuý Kiều khi chuẩn bị trao duyên cho Thuý Vân:


“Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kễ từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai
Ngày xuân em hãy kòn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín xuối hãy còn thơm lây.”


Nếu trong màn “gia biến”, Thuý Kiều đã tỏ ra chủ động, dứt khoát giải quyết mâu thuẫn “ Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” để đi đến quyết định “bán mình chuộc cha”, thì trong màn “trao duyên” ta lại thấy sự lúng túng của Kiều. Nguyên nhân của sự lúng túng này chính là mâu thuẫn giữa tình cảm và lí trí đang diễn ra trong bản thân nàng trước một sự việc khó xử “đem duyên chị buộc vào duyên em”. Đó là một việc làm bất đắc dĩ cho cả hai người, mà trước hết là cho bản thân nàng Kiều. Bởi vậy, khi đặt vấn đề nhờ Thuý Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, Kiều đã tỏ một thái độ hết sức khiêm nhường, cung kính đối với người em gái cùa nàng:

“Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”


Lời nói của Kiều tuy mâu thuẫn với vị trí ngôi thứ chị em trong gia đình nhưng lại hợp tình trong cách xử thế của nàng lúc này.

Trong hai câu thơ đầu với từ “cậy” và “chịu lời” ta thấy được sự khẩn khoản, thiết tha nhưng cũng rất khó nói. Đồng thời với những cử chỉ bất thường không phù hợp với ngôi thứ trong gia đình “lạy” , “thưa”. Cái lạy của Kiều không bởi một việc gì khác, chỉ bởi sợi tơ duyên của nàng và Kim Trọng hãy còn dang dở, dù đã từng “đinh ninh hai miệng một lời song song” nhưng chẳng ngờ gặp cảnh gia biến, muốn trọn chữ hiếu tất nhiên khôn trọn chữ tình thế nên nàng mong rằng Thuý Vân vì mình trang trải cho xong. Kiều không muốn người yêu mình phải chịu chung nổi bất hạnh vì tình yêu tan vỡ, nên rất muốn nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, Kiều đặt nhiều hi vọng vào sự thông cảm của Vân, nhưng vẫn để cho Vân một khoảng tự do đinh liệu. Với điều đó ta thấy Kiều hết sức tôn trọng Vân, không hề ép buộc Vân trong việc rất khó xử này. Để diễn tả sự tế nhị trong lời nói Thuý Kiều chuẩn bị trao duyên cho Thuý Vân, Nguyễn Du đã sữ dụng thành ngủ “đứt gánh tương tư cùng với điển cố văn học Trung Quốc “keo loan” thật phù hợp:

“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”


Nhằm thuyết phục Thuý Vân bằng lòng nhận lời trao duyên, Thuý Kiều đã gợi mối cảm tình bằng việc nhắc lại vẻ đẹp của những kỉ niệm tình yêu giữa nàng với chàng Kim

“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề”


Đồng thời, Kiều giải thích sự tan vỡ tình yêu của nàng là có nguồn gốc từ nỗi oan của gia đình họ Vương, cho nên tan vỡ là tất yếu, tuy nhiên tan vỡ nhưng vẫn đẹp. Từ đó,mặc dù trong thâm tâm nàng rất đau đớn, day dứt nhưng nàng vẫn tha thiết mong Thuý Vân nhận lời thay mình tiếp tục duy trì vẻ đẹp ấy:

“Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu, tình khôn lẽ hai bề vẹn hai
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non”


Không chỉ khơi gợi lòng cảm thông của người em gái, trong việc thuyết phục Thuý Vân nhận lời trao duyên, Thuý Kiều còn nói đến cả cái chết của mình để nhấn mạnh tính khẩn thiết của lời thỉnh cầu, đồng thời nàng như có ý ràng buộc Thuý Vân bằng tình máu mủ ruột thịt để Vân nhận lời thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

“Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”


Than ôi! Số phận mỏng manh, mối tình chẳng cho Kiều chắp, thôi thì lược khăn hầu hạ, tơ duyên đành cậy Vân xe. Có thể nói dưới ngòi bút của Nguyễn Du,nhân vật Thuý Kiều tỏ ra rất tế nhị và đã thuyết phục có lí có tình trong việc nhờ Thuý Vân thay mình trả nghĩa chàng Kim.

Ở các câu thơ tiếp theo Thuý Kiều trao lại những kỉ vật tình yêu cho Thuý Vân và thực hiện lời trao duyên:

“Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dầu em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên...
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương huyền ngày xưa
Mai sau dầu có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Tưới xin giọt lệ cho người thác oan.”


Để củng cố niềm tin ở Thuý Vân vào vẻ đẹp trong sáng, thuỷ chung của mối tình với chàng Kim và để thực hiện việc trao duyên một cách rõ ràng cụ thể, Thuý Kiều đã trao cho Thuý Vân những kỉ vật tình yêu :

“Chiếc theo với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung”


Với việc trao duyên cho Thuý Vân, Thuý Kiều đã làm tròn nghĩa vụ đối với chàng Kim. Nhưng sâu thẳm tâm hồn thì Kiều vẫn hướng tới chàng Kim, vẫn không muốn rời bỏ mối tình đầu và tình yêu của nàng với Kim Trọng vẫn tha thiết, sâu nặng. Cho nên khi trao duyên của mình, lẽ ra Kiều sẽ rất an tâm, bằng lòng. Song, Kiều lại bộc lộ một sự nuối tiếc rất kín đáo. Hai từ “của chung” bật ra trong lời nói của Kiều được Nguyễn Du thể hiện trong câu thơ cho ta thấy một sự luyến tiếc , đau đớn vô hạn của nàng đối với mối tình đầu thơ mộng.

Trong câu thơ ta thấy hàng loạt hình ảnh đối lập nhau hiển hiện trước mắt, xưa đẹp đẽ bao nhiêu thì giờ đây Kiều đau đớn, dằn vặt mình bởi mối tình tan vỡ, trong thâm tâm Kiều đang giằng xé giữa còn và mất, giữa riêng và chung, giữa hạnh phúc và bất hạnh. Do đó, trao duyên cho Thuý Vân rồi, nhưng lòng Kiều lại nhức nhối bao nỗi đắng cay, vì nàng thấy rõ những thiệt thòi , bất hạnh của mình. Bởi vậy, Kiều đã chân thành cầu mong một sự quan tâm từ xa ở con người may mắn, hạnh phúc là Thuý Vân đối với nàng – con người bất hạnh :

“Dầu em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên”


Và nếu hình ảnh “Chiếc thoa với bức tờ mây” gợi lại quá khứ tình yêu của Thuý Kiều , đồng thời khép lại quá khứ ấy bằng hiện tại tan vỡ khổ đau, thì hình ảnh “Phím đàn với mảnh hương huyền” vừa gợi lại quá khứ tình yêu, vừa báo hiệu tương lai bất hạnh sẽ đến với nàng:

“Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương huyền ngày xưa
Mai sau dầu có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”



Gợi lên những bước đi của tình yêu trong quá trình phát triển của thời gian từ “ngày xưa” đến “mai sau” như vậy, Thuý Kiều muốn nói lên một sự thật: dù phải trao duyên cho Thuý Vân, thì mối tình giữa nàng và chàng Kim vẫn không bao giờ dứt bỏ được, mối tình đó sẽ đi theo nàng vào cõi chết, và từ kõi chết Kiều vẫn không nguôi nhớ tới người yêu:

“Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Tưới xin giọt lệ cho người thác oan.”


Bằng cách vận dụng một số điển cố văn học Trung Quốc để thể hiện lời trao duyên của Thuý Kiều , Nguyễn Du đã khắc hoạ rõ tâm trạng khổ đau và s ự giằng xé nội tâm dữ dội trong quá trình trao duyên. Tuy nhiên cuối cùng Thuý Kiều cũng th ực hiên được việc trao duyên, nhưng hơn bao giờ hết, nàng nhận thức được rằng nàng chính là “người mệnh bạc” , nàng chính là “người thác oan” trong tình yêu.

Trong những câu thơ cuối của đoạn trích ta thấy được tấm lòng của Thuý Kiều đối với Kim Trọng sau khi nàng đã trao duyên cho Thuý Vân:

“Bây giờ trâm gãy bình tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”


So với Kim Trọng nàng tự nhận mình là “người thác oan”. Nhận thức rõ ràng những điều đắng cay đó, chứng tỏ Kiều cảm hiểu sâu sắc tính chất bi đát của sự tan vỡ tình yêu. Hình tượng “trâm gãy bình tan” được Nguyễn Du vận dụng ở đây có ý nghĩa tô đậm tính chất ấy.

“Bây giờ trâm gãy bình tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”


Và, nếu như trước đó vì quan niệm Thuý Vân là ân nhân của mình nên Thuý Kiều đã tỏ thái độ đề cao, cung kính, thì lúc này hướng tới Kim Trọng ở phương xa, hướng tới ý trung nhân của đời mình, nàng cũng bộc lộ một thái độ hết sức đề cao, cung kính:

“Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”


Nguyễn Du đã sử dụng một loạt các thành ngữ tiếng Việt để diễn tả lời tâm sự đầy khổ đau của Thuý Kiều nói với người yêu trong trí tưởng tượng của nàng, sau khi nàng đã chính thức trao duyên cho Thuý Vân. Trong giây phút phải nói lời chia ly đầy nước mắ, Thuý Kiều như hoảng loạng thảng thốt gọi tên người yêu, thể hiện một tình yêu thật mãnh liệt cùng với sự tiếc nuối vô hạn.

Càng thương nhớ người yêu,càng nuối tiếc cho mối tình cao đẹp, Thuý Kiều càng thêm đau xót trứơc sự tan vỡ của tình yêu. Bi kịch tình yêu hình thành và phát triển trong quá trình Thuý Kiều trao duyên đến đây đã tới đỉnh điểm và dâng trào thành những tiếng nấc nghẹn ngào, tê tái đến tuyệt vọng của nàng:

“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”


Có thể nói đêm trao duyên là đêm đau khổ bởi tình yêu tan vỡ của Thuý Kiều. Để thể hiện cao trào tình cảm xót xa của Thuý Kiều khi tra duyê, Nguyễn Du như đã nhập tâm, hoà với nhân vật, chia sẽ bao nỗi niềm đau đáu, cùng bao tiếc nhớ khôn nguôi, khắc khoải.
Đoạn trích đã thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thuý Kiều bởi cách miêu tả nội tâm nhân vật chân thực hợp lí. Cùng cách xây dựng giải quyết nội tâm nhân vật đối thoại chuyển thành độc thoại nội tâm để nhân vật tự phơi bày, bộc lộ những tâm sự, khát vọng sâu kín.

Ngôn ngữ thơ trang trọng, bình dị cùng với sự kết hợp hài hoà, phù hợp các điển cố, từ cổ và thành ngữ tiếng Việt.

Qua đó ta cũng thấy được thái độ đồng cảm đến kì lạ của Nguyễn Du đối với tâm trạng đầy bi kịch của Thuý Kiều đồng thời ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của Thuý Kiều giữa chữ hiếu và chữ tình. Nguyễn Du cũng lên án xã hội bất nhân tàn bạo đẩy con người vào những tình cảnh éo le, đau đớn.

Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, đoạn trích “Trao duyên” thật sự là một màn bi kịch, màn độc thoại nội tâm tiêu biểu trong “Truyện Kiều”.

(M.Diễm sưu tầm)
h.phuc
h.phuc
Điều hành viên
Điều hành viên

Tổng số bài gửi : 37
Join date : 05/04/2009
Age : 30
Đến từ : Who cares ?!

Về Đầu Trang Go down

Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND. Empty Re: Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND.

Bài gửi by h.phuc Sun Apr 19, 2009 5:09 pm

Phân tích đoạn trích "Nỗi thương mình"


Thử thách lớn nhất và cũng là bi đát nhất của Thúy Kiều chính là hoàn cảnh mà nàng đã bị đẩy vào: làm kĩ nữ chốn lầu xanh. Nói gì đến giữ gìn danh tiết với Kim Trọng, trong hoàn cảnh ấy, ngay cái nhân cách tối thiểu của người đàn bà trong xã hội cũ Kiều làm thế nào để giữ cho khỏi bị mai một được? Làm thế nào để viết về thực tế ấy – thực tế của cái cảnh "sống làm vợ khắp người ta" mà vẫn thể hiện được nhân cách của nhân vật, vẫn bộc lộ được thái độ trân trọng, sự cảm thông, vẫn nói lên được sự đau khổ, thương thân phận mình của nhân vật? Tài năng nghệ thuật độc đáo, cái nhìn vượt thời đại và đặc biệt tinh thần nhân đạo mới mẻ của Nguyễn Du đã thể hiện trọn vẹn trong đoạn trích "Nỗi thương mình".

"Rường cao rút ngược dây oan
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền"


Từ lúc gia đình gặp biến cố, phải bán mình chuộc cha, trao duyên lại cho em là Thúy Vân, Kiều đã trải qua 15 năm lưu lạc, trong 15 năm ấy, Kiều gặp phải bao sự lọc lừa nhưng lần Thúy Kiều bị lừa đau đớn nhất có lẽ là lần nàng bị Mã Giám Sinh lừa bán đến lầu xanh. Nó là bước ngoặt bẻ ngang cuộc đời Thúy Kiều rẽ sang một hướng khác. Rơi vào tay Tú Bà, Kiều rút dao định tự tử nhưng không thành. Ở lầu Ngưng Bích, Kiều lại mắc bẫy Sở Khanh, bị Tú Bà đánh đập tơi bời, đến mức phải rên lên: "Thân lươn bao quản lấm đầu, tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa". Tiếp đó là những tháng ngày ê chề nhục nhã của nàng trong vai trò kĩ nữ - gái làng chơi, đem tấm thân trong ngọc trắng ngà của mình mua vui cho những kẻ lắm tiền háo sắc. Nguyễn Du đã ghi lại tâm trạng của Kiều trong thời gian ấy.

Có một điểm cần chú ý ngay từ đầu là trong nguyên tác của Thanh Tâm tài nhân thì trọng tâm của đoạn này: một mặt là bài ca kể về thân phận Thúy Kiều từ khi gia biến đến khi bị Sở Khanh lừa và phải đồng ý tiếp khách, mặt khác tập trung vào lời dạy của Tú Bà về nghề kĩ nữ. Đến Nguyễn Du, cách xử lí nghệ thuật đã có sự thay đổi hoàn toàn. Gốc rễ của cách xử lí nghệ thuật độc đáo ấy là cách nhìn mới mẻ và chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ của nhà thơ.

Từ câu thứ 5 của đoạn trích, trước đây được đặt tên là "Những nỗi lòng tê tái". Trong sách giáo khoa mới, "Nỗi thương mình" chỉ vẻn vẹn 20 câu nhưng đã nói lên tất cả nỗi tê tái của Kiều nhưng quan trọng hơn là đoạn trích đã thể hiện một tiếng nói nhân văn sâu sắc và tiến bộ: ý thức về thân phận, phẩm giá của nàng Kiều – ý thức thương thân, xót thân lần đầu tiên xuất hiện trong văn học trung đại Việt Nam.

Có một bài toán "nan giải" đặt ra với Nguyễn Du: tác giả muốn tố cáo một cách sâu sắc nơi đã vùi dập Kiều, những thân phận như Kiều. Đó cũng là một hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến mà Kiều đang sống với tất cả sự nhơ nhớp, mục ruỗng của nó. Cái khó là: nói về cảnh lầu xanh nhưng làm sao cho sự miêu tả hiện thực đó không gây ra phản cảm với độc giả, không hạ thấp nhân vật, thể hiện được nhân cách, phẩm giá của nhân vật trong sự cảm thông của nhà thơ. Nguyễn Du đã thành công với những xử lí nghệ thuật độc đáo của mình.

Đoạn trích có một kết cấu lôgíc với diễn biến tâm trạng: đoạn đầu giới thiệu tình cảnh trớ trêu của Kiều, "khi tỉnh rượu… nào biết có xuân là gì" đi sâu vào tâm tình, nỗi niềm của Kiều trong cảnh sống ấy, và đoạn cuối tả cảnh để cực tả tâm trạng cô đơn, ý thức về thân phận, phẩm giá của Kiều.

Bốn câu thơ đầu của đoạn thơ là cả một hiện thực tàn nhẫn mà Kiều phải chịu đựng: chốn lầu xanh với những đặc trưng của nó:

"Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh"


Bút pháp ước lệ tượng trưng được sử dụng nhuần nhuyễn đến mức trở thành một công cụ nghệ thuật đắc lực. Bởi vì trên thực tế, nếu phải gọi sự thật bằng đúng cái tên của nó thì Kiều trong đoạn trích này là một cô gái lầu xanh. Một loạt từ ngữ dẫu là ước lệ vẫn đủ để thông báo về tình cảnh và thân phận của Kiều – mặc dù bốn câu đầu này, nhân vật không hề được miêu tả trực tiếp: "bướm lả ong lơi, cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm" và các điển tích điển cố: "lá gió cành chim", "Tống Ngọc, Trường Khanh" – chỉ chung cho loại khách làng chơi phong lưu. Nguyễn Du đã tìm được một góc nhìn và cách xử lí nghệ thuật đặc biệt: viết về cảnh lầu xanh nhưng lại dùng những từ và hình ảnh rất nhã. Cách xử lí nghệ thuật này giúp tác giả vượt qua một vấn đề nan giải, một mặt vẫn tả thực, không né tránh hiện thực và cảnh sống thực tế của nhân vật chính, mặt khác vẫn giữ được chân dung cao đẹp của nhân vật chính Thúy Kiều, qua đó thể hiện thái độ cảm thông, trân trọng mà tác giả dành cho nhân vật. Thái độ này là nhất quán trong tác phẩm.
Quan sát kĩ hơn những chi tiết nghệ thuật mà Nguyễn Du cố ý bày ra sẽ nhận thấy sự mâu thuẫn ẩn chứa bên trong cảnh tượng. Những từ "đầy tháng, suốt đêm" là những từ chỉ số nhiều, cho thấy sự nhộn nhịp của lầu xanh, nơi mà Tú Bà "ăn nên làm ra", lầu xanh như một chốn đang vào dịp "được mùa", "đắt khách". Cái xấu như đang ra sức bòn rút tất cả những giá trị của con người. Lầu xanh trở thành nơi chôn vùi không biết bao nhiêu số phận như Kiều. Cảnh lầu xanh thực chất cũng là một phần của bức tranh XHPK Trung Quốc thời Minh – Thanh thu nhỏ, cả thời đại mà Nguyễn Du sống, cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19. Xã hội ấy cũng đã được nói đến qua những tác phẩm cùng thời: Phủ Chúa Trịnh, Hoàng Lê nhất thống chí, Cung oán ngâm…

Phép đối xứng kết hợp với nghệ thuật tách từ, đảo từ là một sáng tạo của Nguyễn Du. Đối xứng nhỏ nhất được thiết lập bằng cách tách hai từ ghép để tạo thành một cụm từ mới, có tác dụng tăng thêm, cụ thể hóa hơn nét nghĩa: tại lầu xanh, bọn khách làng chơi ra vào dập dìu, nhộn nhịp. Tiếp theo là đối xứng trong từng câu thơ: Cuộc say đầy tháng/ trận cười suốt đêm; Sớm đưa Tống Ngọc/ tối tìm Trường Khanh… kết hợp với những từ chỉ số nhiều: đầy tháng, suốt đêm diễn tả cái xô bồ, gấp gáp của một cuộc sống ăn chơi, nhốn nháo, dung tục. Thường thì người ta dùng từ "trận" để nói về trận đánh, trận mắng chửi chứ không ai nói là "trận cười". Bản thân cách dùng từ này đã đủ cho thấy nỗi ê chề, sự ép buộc, đày đọa mà Kiều phải chịu đựng.

Nguyễn Du đã tái hiện cái hoàn cảnh của Thúy Kiều bằng những sự đối lập nghiệt ngã: một bên là nước mắt Thúy Kiều – một bên là những cơn say, trận cười triền miên. Do vậy ở bốn câu thơ đầu, mặc dù chưa được miêu tả trực tiếp, người đọc vẫn thấy Kiều đang bị cuốn đi trong một cơn lốc vô hình, bị buộc vào cảnh sống nhơ nhớp nơi nhà chứa. Hiện thực nghiệt ngã mà nhân vật phải trải qua, hé mở thân phận bẽ bàng của người kỹ nữ. Nguyễn Du đã "bọc lụa" cho cảnh sống ấy bằng một thứ ngôn ngữ ước lệ rất tài tình: ước lệ theo thành ngữ dân gian, ước lệ theo điển tích làm cho sự hồi tưởng kiếp sống đớn đau của Kiều trở nên tao nhã hơn. Bởi vì chỉ có hồi tưởng mới diễn tả hết sức sống chân thật của nội tâm nhân vật, mới thể hiện đúng nỗi đau, mới nổi bật được phẩm giá và sự chịu đựng giày vò đáng thương của nhân vật. Đằng sau những câu thơ ấy là tấm lòng cảm thông, trân trọng mà tác giả dành cho Thúy Kiều.

(T.Thúy sưu tầm)
h.phuc
h.phuc
Điều hành viên
Điều hành viên

Tổng số bài gửi : 37
Join date : 05/04/2009
Age : 30
Đến từ : Who cares ?!

Về Đầu Trang Go down

Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND. Empty Re: Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND.

Bài gửi by Orion Sun Apr 19, 2009 5:24 pm

Good Job! cộng 2đ cho mỗi post Very Happy
Orion
Orion
Technical Support
Technical Support

Tổng số bài gửi : 30
Join date : 17/04/2009
Age : 30
Đến từ : hometown

http://cid-4d7894baa31bfcd2.profile.live.com/

Về Đầu Trang Go down

Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND. Empty Re: Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND.

Bài gửi by h.phuc Sun Apr 19, 2009 5:30 pm

Phân tích đoạn trích "Chí khí anh hùng" dài quá, lười gõ Very Happy Ai cần thì liên hệ tớ, tớ đưa tài liệu cho mà tham khảo Smile
h.phuc
h.phuc
Điều hành viên
Điều hành viên

Tổng số bài gửi : 37
Join date : 05/04/2009
Age : 30
Đến từ : Who cares ?!

Về Đầu Trang Go down

Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND. Empty Re: Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND.

Bài gửi by thanhthuy_pi Sun Apr 19, 2009 8:40 pm

(sưu tầm) Chỉ là dàn ý thui nha
Tìm hiểu chung:
Cuộc đời kiều tưởng như bế tắc hoàn toàan khi lần thứ 2 rơi vào lầu xanh thì Từ Hải bỗng xuất hiện và đưa kiều thóat khỏi cảnh ô nhục. hai người sống hạnh phúc “trai anh hung, gái thuyền quyên-phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”. Nhưng Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm bên cạnh nàng Kiều tài sắc, chàng muốn có sự nghiệp lớn nên sau nửa năm đã từ biệt Kiều ra đi. Đọan trích (từ câu 2213-2230) bao gồm ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thọai cho thấy chí khí của Từ Hải.
Tìm hiểu văn bản:
So với những cuộc chia tay khác trong tác phẫm, ở cuộc chia tay này, giữa kiều và từ hải, ta không thấy những lời dặn dò, những băn khoăn lo lắng, những bịn rịn lưu luyến vốn là tâm trạng phổ quát của kẻ ở, người đi. Đọan trích tập trung khắc họa từ hải ở vẻ đẹp của chí khí anh hung. Chí là mục đích cao cả, khí là nội lực mạnh mẽ của quyết tâm, nghị lực bên trong. Có lẽ vì vậy mà dường như Từ xem việc lên đường lập nghiệp lớn là tất yếu, không nghĩ đến việc cần có một cuộc chia tay với Thúy Kiều. Chỉ đến khi Từ đã lên ngựa, Kiều bày tỏ ước nguyện một lòng xin đi cho vẹn chữ tong, Từ Hải mới có dịp bày tỏ suy nghĩ của m2inh.
1/ Hình ảnh Từ Hải:
a. Con người có chí khí, khát vọng lớn lao:
• Thể hiện ở thờ iđiểm ra đi lập nghiệp lớn:
“Nửa năm hương lửa đương nồng,…”
Từ dứt áo ra đi khi tình “trai anh hung-gái thuyền quy6en” đang vào độ mặn nồng nhất. (So sánh với Kim Trọng, Thúc Sinh).
• Qua hành động và lời nói:
Hành động nhanh chóng, dứt khóat, mạnh mẽ, không chút phân vân do dự. Đang “hương lửa” mặn nồng, vậy mà “thoắt” cái là sự giục giã của “lòng bốn phương”. Và ngay lập tức Từ ở tư thế lên đường “thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” và sau những lời bày tỏ suy nghĩ là “Quyết lời dứt áo ra đi”. Thẳng rong là đi liền một mạch, chỉ một hướng, không bị chi phối bởi điều gì, đã “quyết lời” là “dứt áo” ra đi không chút vướng bận.
• Lời nói: khi Kiều bày tỏ mong muốn được “xin theo” để trọn đạo vợ chồng, cùng chia sẻ với Từ, Từ trách “tâm phúc tương tri,… sao chưa thóat khỏi nữ nhi thường tình”. Trong lời trách còn bao hàm sự động viên, khích lệ Kiều hãy vựot lên sự thường tình của một nhi nữ để làm vợ một anh hung. Trong lời chàng còn là một ước hẹn chắc chắn, vẽ ra một viễn cảnh hào hung, vẻ vang, một sự nghiệp xứng đáng với một anh hung. Nhưng tiếng gọi của sự nghiệp, hoài bão ấy không phải chỉ là lẽ sống của Từ Hải, mà hơn nữa đó là khao khát múôn có một sự nghiệp rỡ rạng để đón Kiều “nghi gia” trong vẻ vang.
• Qua hình ảnh không gian: hình ảnh không gian mênh mông, khóang đạt: không igan của biể rộng, trời cao, của bốn phương lồng lộng, của bể Sở sông Ngô tung hòanh. Không gian ấy nâng tầm vóc người anh hung, chắp cánh cho những ước mơ, hòai bão phi thường. Hình ảnh “gió mây bằng…” càng khẳng định tầm vóc Từ Hải: chàng như con chim bằng bay cao, bay xa ngoài biển lớn được thỏa chí tung hoành.
b. Thái độ, tình cảm của nhà thơ đối với nhân vật:
- Với Nguyễn Du, Từ Hải là “đấng trượng phu” ( chỉ duy nhất từ Hải được Ng Du gọi như thế), là “mặt phi thường”, là cánh chim bằng vượt gió. Từ là ước mơ của Ng Du về tự do, công bằn, công lý.
- Khắc họa chân dung Từ Hải, Ng Du dùng hình tượng ước lệ quen thuộc của văn học trung đại khi miêu tả người anh hùng ( lòng bốn phương, thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong, gió mây bằng…) và hình tượng vũ trụ ( đặt nhân vật trong không gian vũ trụ mênh mộng rộng lớn: trời bể mênh mông, tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường…)
suy ra: Từ Hải là nhân vật được Ng Du xây dựng theo khuynh hướng lý tưởng hóa.
thanhthuy_pi
thanhthuy_pi
Điều hành viên
Điều hành viên

Tổng số bài gửi : 46
Join date : 05/04/2009
Age : 31
Đến từ : Thành phố Bác .. :)

Về Đầu Trang Go down

Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND. Empty Re: Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND.

Bài gửi by Gia Hải Sun Apr 19, 2009 11:58 pm

chà bài cũng hay đấy. Đọc lấy ý tưởng Smile Thanks for share !!
Gia Hải
Gia Hải
Technical Support
Technical Support

Tổng số bài gửi : 55
Join date : 06/04/2009
Age : 30
Đến từ : Địa ngục - Death Land

Về Đầu Trang Go down

Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND. Empty Re: Phân tích ba đoạn trích từ "Truyện Kiều" - ND.

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết